[Tuần làm việc 4 giờ] Câu hỏi bài tập(1) hay những chia sẻ chân thật nhất!
Bất cứ khi nào bạn thấy mình đang thuộc về số đông, đó là lúc bạn phải dừng lại và suy ngẫm. - from MARK TWAIN
Một buổi chiều rảnh rỗi, tôi lục tìm trong tủ sách của mình xem có cuốn sách nào mà tôi hứng thú đọc vào lúc này không thì nhớ ra hồi đầu năm tôi đã hào hứng nhồi nhét thêm cuốn Tuần làm việc bốn giờ vào giá sách mà đến giờ vẫn chưa lôi nó ra để đọc. Bần thần nhìn bìa sách, đứng nghĩ ngợi một lúc xem có nên để khi mình "lớn" hơn một chút, "nhiều kinh nghiệm", "nhiều kiến thức" hơn một chút rồi lôi ra đọc cho dễ ngấm không. Cuối cùng, quyết định là...đọc thử. Sau khi đã đọc xong một chương sách, nắm được cốt lõi tinh thần tác giả và giá trị mà quyển sách có thể đem lại. Tôi tin rằng cuốn sách này dành cho mọi lứa tuổi, mà đặc biệt là càng đọc sớm có khi lại...càng tốt(!). Tôi nói thế vì tư tưởng và quan điểm trong cuốn sách hầu như đều đi ngược lại với tư tưởng, quan điểm phổ biến trong xã hội. Một trong số đó là: càng làm việc hùng hục, càng tiết kiệm thời gian, bạn lại càng phung phí thời gian! - said từ một con bé ám ảnh bởi sự lãng phí thời gian(!).
1. Trở thành con người của "thực tế", "có trách nhiệm" đã ngăn cản bạn sống cuộc sống bạn yêu thích như thế nào?
Trước hết, tôi hiểu ý của tác giả khi anh cố tình đưa hai tính từ tích cực như là thực tế và có trách nhiệm vào trong ngoặc kép ( hoặc tôi nghĩ là tôi đã hiểu). Sống vì người khác, sống có trách nhiệm với bản thân luôn là điều đáng trân trọng thế nhưng sống theo ý muốn của người khác, của xã hội, sống theo một lô lốc những quan điểm, quan niệm mà xã hội này tạo nên nhằm để đánh lừa bản thân về sự trách nhiệm, thực tế thì...là điều lãng phí thời gian. Tôi tự nhận bản thân mình là một con người đầy mâu thuẫn, điều đó thể hiện trong nhiều việc, đặc biệt là quyết định chọn học đại học của tôi. Tôi không than phiền rằng ngôi trường tôi đang theo học chất lượng kém hay như thế nào, không phải vì tôi ái ngại việc chỉ trích trường mà mình đang theo học. Tôi là một cô gái thẳng thắn và tôi không nhận xét vì tôi chưa thực học để mà đưa ra lời nhận xét khách quan. Cuộc sống đại học không nhàm chán lắm nhưng những tiết học trên trường là vô nghĩa trong suốt một năm qua với tôi. Tôi không thấy mình có kiến thức căn bản gì hơn một người không đi học đại học. Nhưng không phải để trải qua một năm rồi tôi mới nhận thức được quyết định học tập của mình là chưa sáng suốt. Tôi đã trăn trở về điều này từ lúc tôi còn ôn thi đại học. Trong những tháng ngày khổ luyện, bỗng vào một ngày tôi chợt nhận ra tôi không có lý do gì để tiếp tục làm những gì tôi đang làm đó là ôn thi vào một trường đại học mà tôi chẳng biết nó sẽ dạy tôi cái gì, nó có phải điều tôi thực sự nghĩ là tốt cho bản thân tôi.Tôi cố gắng để phân tích những quyết định của mình. Tôi hiểu bản thân tôi đủ rõ để thấy rằng nếu tôi chọn làm một việc tôi cảm thấy không có mục đích, hoặc tôi sẽ bỏ cuộc giữa chừng ( vì chứng ám ảnh thời gian) hoặc tôi sẽ tồn tại mờ nhạt trong môi trường học tập đó. Tôi biết rằng, tại thời điểm đó, tôi nên có một khoảng thời gian trống ( kiểu như gap year) để thực sự hiểu xem mình mong muốn làm điều gì, và sẽ chọn trường nào cho phù hợp. Nhưng...tôi đã không làm thế. Tôi đã không đủ dũng cảm, không đủ kế hoạch tại thời điểm đó. Tôi cảm thấy "trách nhiệm" của tôi lúc đó không hoàn toàn là trách nhiệm thực sự với bản thân mà là trách nhiệm với gia đình. Tôi không cho bản thân nhiều cơ hội để suy nghĩ hơn. Tôi mù lòa vì điểm số tại thời điểm đó. Tôi hãnh diện vì đã đậu vào một ngôi trường có thể nói là mong ước của nhiều người mà quên đi cái mong ước thực sự của mình. Tôi vào đại học như một cái gì đó tất yếu phải xảy ra. Tuy nhiên bây giờ, tôi không hối hận vì những gì mình đã làm, vào đại học lại có những câu chuyện mới, hoàn cảnh mới. Câu chuyện trên chỉ như một dẫn chứng cho thấy, bạn luôn phải đặt câu hỏi xem sống thế nào mới là sống trách nhiệm?.
Như bạn thấy đấy, sống thực tế không phải là sống theo một đống những giá trị mà người đời gán lên cho mình mà sống thực tế phải là sống thực với cuộc sống thực, hoàn cảnh thực của bạn. Tôi rất không thích ( hay rất ghét) những ai đó luôn đáng giá một cách khiển cận hành động của người khác. Nhưng chấp nhận những điều đó tồn tại trong cuộc sống của mình dường như là điều tất yếu ( vì bạn đâu có lựa chọn gì khác). Điều duy nhất thực sự có giá trị mà tôi cần làm là chứng minh cho họ điều ngược lại.
Hồi còn bé, tôi học dốt kinh khủng. Phải nói là, tôi sợ học, sợ con số, sợ người hằng ngày dạy học cho tôi - đó chính là bà ngoại tôi. Có lẽ ngay từ lúc nhỏ, cái cá tính của tôi đã sớm trỗi dậy. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao tôi lại phải học bảng cửu chương? tại sao có máy tính mà lại không được dùng mà phải ngồi tính nhẩm vô cùng là mất thời gian? tại sao lại phải học thuộc cả cách trả lời bài toán :" Số con vịt trong túp lều tranh là: 20+10=..." hay "Tổng số con vịt trong túp lều tranh là:..". Các bài văn thì dở ẹc, khô khốc, quanh đi quẩn lại vẫn là tả con mèo, tả cái cặp, tả sân trường, mùa thu mùa đông,...à tả cô giáo em, tả mẹ em,..các thể loại. Và bao giờ bà ngoại tôi cũng mớm cho tôi đến từng dấu chấm dấu phẩy ( sợ tôi bị điểm thấp) còn vật được tả thì khác vật thật đến 100%. Nói chung, tôi hoàn toàn thấy, tôi chẳng có năng lực gì vượt trội khi đến trường trừ cái năng lực hay nói phét, hay nhìn trộm bài bạn, hay lén lút bấm máy tính thay vì đọc bảng cửu chương, hay quay cóp ra tay, ra giấy,...Sau nhiều năm trời học dốt, bà tôi kết luận xanh rờn là: Mày tốt nghiệp được cấp 3 đã là tốt lăm rồi. Chắc hẳn bà không ngờ được có ngày tôi lại trở thành một cái gì đó đáng tự hào để nhắc đến trong câu chuyện của bà với các bà bạn khác rằng có cô cháu học trường này trường kia,...Quãng thời gian bà ngoại dạy học cho tôi đợt tiểu học thực sự khiến cho tôi đến bây giờ vẫn thấy tự ti về khả năng toán học của mình ( thêm cả chứng sợ các con số).Thế mới thấy sống "thực tế" là sống ngu xuẩn nhất. Chả có cái thực tế nào thực hơn cuộc sống mà bạn đang chèo lái nó cả.
Để trả lời hết cho câu hỏi này, tôi vẫn còn nhiều câu chuyện thực tế của cả bản thân lẫn những người bạn. Nhưng có lẽ tôi đã dành hơi nhiều thời gian cho câu hỏi này rồi.
2. Những việc bạn "nên" làm đã đem lại cho bạn sự thất vọng hay sự hối hận như thế nào khi không được làm việc gì đó bạn mong muốn?
- Câu chuyện đại học nhé. ( câu hỏi 1)
- Câu chuyện cấp 3. Đợt cấp 2 tôi...cũng học dốt. May sao vớt vát được năm cuối cấp bỗng dưng le lói mục tiêu phải đỗ trường Phan Đình Phùng cùng người bạn thân nên tôi đã chăm chỉ học lắm. Thế rồi, vì không tự tin, vì cô giáo bảo "nên" chọn lựa an toàn. Tôi và bạn thân đã phải học khác trường 3 năm trời. Mặc dù sau này đã có nhiều chuyện xảy ra khiến tôi cũng yêu ngôi trường cấp 3 mà tôi đã học nhưng đó cũng vẫn là một ví dụ cho thấy "nên" có khi lại là không nên.
3. Nhìn lại những điều bạn đang làm và tự hỏi bản thân mình: " Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm ngược lại so với mọi người xung quanh? Tôi sẽ phải hi sinh những gì nếu tôi tiếp tục con đường này trong 5, 10 hay 20 năm nữa?"
Tôi có kha khá nhiều điều ngược lại với nhiều người xung quanh mình ( rất nhiều người xung quanh mình). Tuy nhiên tôi cần thời gian để trả lời cho câu hỏi này và sẽ trả lời bao giờ tôi muốn.
A lesson will be repeated until learned
Nguyễn Minh Anh
Comments
Post a Comment