UGANDA TỪ NĂM NGÀN DẶM



UGANDA TỪ NĂM NGÀN DẶM  (PHẦN I)

Nguyên Nguyễn
(Mình của tuổi 20 là thế này mà cũng là thế nọ, chẳng là thế này lẫn cả thế kia)

Tháng 02/2019, theo một chương trình tập huấn về bình đẳng giới của tổ chức Lunaria (Ý) phối hợp với chương trình Eramus+ của châu Âu, trong vai trò là người đại diện cho tổ chức Volunteer for Peace Vietnam tham gia, tôi có cơ hội tới thăm cộng hòa Uganda, một quốc gia Đông Phi nổi tiếng với con người thân thiện và giàu lòng nhân ái. Quốc gia ấy còn được biết đến nhờ những tour safari đắt đỏ đến các vườn quốc gia ngắm động vật hoang dã - điều mà hầu như ai cũng mong một lần được trải nghiệm khi đến vùng đất Phi châu xa xôi này.

Tuy nhiên, tôi không giỏi và cũng không quá hứng thú nói về những cảnh đẹp và những trải nghiệm du lịch đắt đỏ nhưng lại thấy hào hứng hơn khi được chia sẻ những gì tôi thấy, nghe và học được qua chuyến đi của mình về văn hóa, con người ở mỗi nơi tôi đi qua.

Văn hóa Coca-Cola

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Entebbe, vào khoảng 2 giờ rưỡi chiều, dù cho toàn thân mỏi nhừ vì ngồi trên máy bay quá lâu và giờ giấc thì ít nhiều khác biệt, sự thích thú đón chờ những trải nghiệm mới trước mắt khiến tôi tạm quên đi cái mệt của cơ thể.

Sân bay Entebbe là một tòa nhà màu vàng có diện tích khiêm tốn, ít kính cửa sổ và đơn giản đến mức sơ sài, gợi cho người ta nhiều liên tưởng về một sân bay nội địa xa xôi nào đó ở địa phương. Ấy thế nhưng sân bay Entebbe không chỉ là sân bay quốc tế mà còn là sân bay duy nhất trên cả lãnh thổ Uganda. Cứ thử tưởng tượng đất nước Uganda to gần bằng Việt Nam và to gấp 4,5 lần Đài Loan thì đủ thấy di chuyển bằng máy bay là một điều gì đó còn xa xỉ ở đây và không nhiều người sẵn sàng dùng phương tiện này. Được biết là ở đây khi người dân muốn đi sang các nước châu Phi lân cận, họ thường sẽ dùng xe bus mà có thể mất đến vài ngày đi đường nhưng bù lại có thể tiết kiệm được khoản tiền kha khá.

Nói về điều làm tôi ấn tượng ở sân bay Entebbe thì đó là các biển hiệu nước soda, nước tăng lực có mặt ở khắp mọi nơi, trong đó nổi bật nhất dưới cái nắng vàng chói chang của xứ sở  Đông Phi là màu đỏ không thể lẫn vào đâu của Coca-Cola. Ở sân bay Entebbe có hẳn một hình mẫu chai Coca-Cola cao ngất ngưởng gần 6 mét bên cạnh là một backdrop quảng cáo cho một cuộc thi tài năng nào đó do Coca-Cola tài trợ. Không chỉ có vậy, thương hiệu Coca-Cola còn có thể được bắt gặp trên các biển hiệu lớn dọc đường cao tốc, các áp phích quảng cáo nhỏ nơi những tiệm tạp hóa xa xôi nhất, trên các xe ô tô và mô tô chạy ngoài đường; trên mũ và quần áo của mọi người; các sạp hàng gần bến xe hay trên tay của người bán rong ngoài phố… Dù vẫn biết Coca-Cola là thức uống phổ biến và được đầu tư quảng cáo rộng rãi, kể cả ở Việt Nam, nhưng tần suất xuất hiện của hãng đồ uống này ở đây không khỏi khiến người ta chú ý. Với 2000 shilling (tương đương với 12000 VND) ai cũng có thể dễ dàng mua một chai Coca thủy tinh 300ml dù ở bất kì hang cùng ngõ hẻm nào.

https://lh3.googleusercontent.com/4pG66SHhEe1wNsYDtSXKAF8E54OpUc-CwU3zQTn97W7sf3ezS2eHZ5FifF9b6IpuJnq7MonkJ2Ya6woiWREy0L31JcxJy4FpGmOQqpyQTsuMHN3bnGYn2frVq4Q-aNqAvUsvT7jq
(Ảnh chụp tại sân bay Entebbe, Uganda)

Thật không khó để thấy niềm yêu thích và sự trung thành của người dân nơi đây dành cho Coca-Cola. Dù nơi đầu tiên ở châu Phi mà Coca-Cola đặt chân tới không phải là Uganda mà là Cape Town, Nam Phi nhưng đi đến đâu hãng này cũng mở rộng địa bàn hoạt động của mình và rất biết "lấy lòng" người dân bản địa. Trong một bài báo viết năm 2018, nhân dịp 90 năm Coca-Cola có mặt ở châu Phi, ông Maserama, một quản lý cấp cao của hãng tại châu Phi đã chia sẻ:

“For 90 years in Africa we’ve been part of our customer’s lives – we’ve been there with them on their first date, to celebrate their first job offer and refresh their first football game. We have built taps and toilets for mothers and fathers and taught their sons and daughters how to recycle. We have empowered their aunts and sisters to build their own businesses,”
(Tạm dịch: “Trong 90 năm hoạt động ở châu Phi, chúng tôi đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây - chúng tôi cùng họ ăn mừng công việc đầu tiên mà họ có, tiếp sức cho giải bóng đá đầu tiên họ chơi. Chúng tôi đã xây nhà vệ sinh cho những người cha và những người mẹ và dạy con trai và con gái họ công việc tái chế. Chúng tôi giúp đỡ những người phụ nữ làm kinh doanh”).

https://lh3.googleusercontent.com/zdjIGXPAM3Yb5UBC7RksyQ5C3AQgS-lxON2hfDCCZe20M7NxBik6AiF_U18p6rhjtzOp67FF55ufYGYzhjlvrBOCiRt48tI2-Cvuq1T53zZl57D6to3jIXSkBmSkTlUlujU0yttv
Uganda 1963
(Nguồn ảnh: Coca-Cola Journey)

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của công ty này đến cho cuộc sống của hàng triệu người dân châu Phi kể từ những ngày đầu tiên họ đặt chân tới đây. Họ xây dựng nhà máy sản xuất, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm, trong đó ưu ái các hoạt động thúc đẩy bình quyền, cụ thể là tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ đồng đều với đàn ông. Họ mang về công nghệ tiên tiến, đào tạo các công nhân thiếu tay nghề. Không dừng lại ở đó, Coca-Cola không ngừng tài trợ, đầu tư, thúc đẩy các hoạt động xã hội đa dạng như các cuộc thi âm nhạc, thể thao; các dự án cộng đồng đem lại giá trị và tác động lớn mà nổi bật nhất là dự án RAIN (The Replenish Africa Initiative) giúp đỡ hơn 1 triệu người từ 35 quốc gia (trên tổng số 55 quốc gia châu Phi) tiếp cận với nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, Coca-Cola còn theo đuổi dự án tái chế bền vững, hạn chế sử dụng chai nhựa và tái chế 100% các sản phẩm lon, chai Coca-Cola. Đó là lý do vì sao tôi hiếm khi nhìn thấy một chai nhựa Coca-Cola nào ở Uganda. Công ty này cũng đã ra mắt những sản phẩm giải khát phù hợp với khẩu vị địa phương trong đó phổ biến nhất là Stoney Tangawizi (vị gừng), một thương hiệu nước giải khát chỉ riêng có ở châu Phi.

https://lh4.googleusercontent.com/VICqR8PiALeLUKkCjmIYwTU42yiZOYYJTi9ukjRDtAqUqaJhDOirReS29RoHIby1w8ZzYEM-LaofZM-qw-Xh-3czWMRvH8x_Vb3EIlpcTE-Uepl7CY_u-C-z_83TI7iDThut7foO
(Ảnh chụp một bữa ăn thường ngày của chúng tôi tại trại tập huấn với chai Stoney Tangawizi có mặt trong mỗi bữa ăn)

Với tầm ảnh hưởng sâu rộng như vậy, đúng là không ngạc nhiên khi người Uganda coi các sản phẩm đến từ công ty này như là sản phẩm địa phương của mình và họ uống hàng ngày. Đi cùng với khẩu hiệu "Coke with meals better together" (Tạm dịch: “Ăn ngon hơn cùng Coca-Cola”), bữa ăn nào của chúng tôi ở trại tập huấn cũng được phục vụ kèm các chai nước tăng lực của Coca-Cola.

Nhưng chính điều này, lại khiến tôi thấy buồn nhất. Tất cả những đóng góp của Coca-Cola dù theo ý tốt đẹp nào đi chăng nữa cũng không thiếu đi mục tiêu biến châu Phi thành thị trường nóng cho dòng nước giải khát của mình trong bối cảnh những quốc gia phát triển như Mỹ, các nước châu Âu, hay kể cả một vài nước châu Á bắt đầu tẩy chay các đồ uống của công ty này. Và chắc hẳn là có những lý do thuyết phục đằng sau đó. Không khó để tìm thấy các bài báo viết về những vấn đề thuế phức tạp liên quan tới Coca-Cola và, điều tôi quan tâm hơn cả, là tác động không tốt tới sức khỏe khi người ta sử dụng các sản phẩm nước tăng lực, nước giải khát từ công ty này.

Một lần tôi đi cùng Eric - người bạn đồng hành người Uganda đến Arua, một thị trấn nhỏ phía bắc Uganda, tiếp giáp với biên giới nước cộng hòa Congo. Arua phác lên một bức tranh đời sống đa chiều điển hình ở quốc gia Uganda, là một thị trấn rất nhộn nhịp bởi sự đa dạng đến từ nhiều thành phần xã hội, nơi có các bộ tộc khác nhau cùng chung sống, các dân tị nạn từ Nam Sudan, Congo và Rwanda về đây buôn bán. Mọi thứ ở thị trấn này, từ trạm xăng, trạm chờ xe bus, khu chợ, công viên, hàng quán đều mang không khí của một vùng đất đang loi ngoi phát triển. Nắng ở Arua như thiêu như đốt, tôi và Eric quyết định ghé vào một tiệm tạp hóa. Trong khi tôi chọn nước hoa quả thì Eric lựa một chai nước tăng lực. Tôi khuyên cậu ấy không nên dùng nước tăng lực vì nó không tốt cho sức khỏe thì cậu ấy chỉ "yea" rất đại khái và tỏ vẻ bất lực: "But we can’t live without it, it's too hot you see, we need more energy" (Tạm dịch: “Nhưng bọn tao không sống thiếu nó được, ở đây quá nóng và chúng tao cần nhiều năng lượng”). Nhưng tôi nghĩ lý do mà phần lớn mọi người khó bỏ đi thói quen uống nước tăng lực/ nước có gas là bởi họ đã nghiện những sản phẩm này một cách vô thức. Việc đó có thể bắt nguồn từ việc họ không có đủ kiến thức và thông tin về tác hại của việc tiêu thụ quá thường xuyên chúng.

Tôi không lấy làm lạ khi Eric vẫn gắn bó với loại nước uống tăng lực hằng ngày bởi cậu là dân chơi thể thao, mà những người như cậu là đối tượng vàng cho các dòng nước tăng lực của Coca-Cola. Còn một lý do khác mà tôi nghĩ đến, phần lớn những người dân sống ở Uganda nói chung đều có mức thu nhập thấp. Đây là quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp cao. Eric khẳng định với tôi là có tới 80% người dân đang trong tình trạng thất nghiệp mà đa phần họ đều là những người trẻ trong độ tuổi lao động. Khi có thời gian tìm hiểu kĩ hơn, dù không chắc chắn với con số 80% kia nhưng tỉ lệ thất nghiệp cao là có thật tại Uganda. Mà thậm chí không nghe ai nói, không cần báo đài, mắt thường cũng có thể thấy cuộc sống ở đây rất bấp bênh và khó khăn. Quay lại vấn đề với nước giải khát, vì tình trạng thất nghiệp, nhiều người dân sống ở mức nghèo, đôi khi phải vật lộn với bữa ăn từng ngày nên nếu họ không có tiền để ăn no, họ có thể mua Coca-Cola với giá 2000 shilling và dưới tác dụng của 10 thìa đường có trong một chai coca, họ có đủ sức để vượt qua cơn đói.

Tôi muốn nhắc nhở những người bạn châu Phi về sự độc hại của việc tiêu thụ quá thường xuyên các loại nước giải khát giá rẻ, nước tăng lực không chỉ đến từ Coca-Cola mà còn đến từ nhiều các công ty nước ngoài khác đang nhăm nhe tiến vào thị trường Uganda nói riêng và châu Phi nói chung. Không nên có sự bối rối và nhầm lẫn giữa lòng biết ơn những đóng góp của Coca-Cola và bản thân việc tiêu thụ sản phẩm đồ uống mà Coca-Cola sản xuất. Dù Coca-Cola có vai trò quan trọng đến mấy trong các công tác xã hội thì khi bạn tiêu thụ một chai Coca-Cola 300ml, bạn vẫn đang thải ra rác khó phân hủy, và đưa vào cơ thể một lượng đường lớn mà có thể cơ thể không cần tới.

Và hỡi Coca-Cola, dù anh có thể không nghe thấy tiếng nói nhỏ bé của tôi, xin đừng lợi dụng những người bạn châu Phi trước nay vẫn luôn dành một tình cảm nồng thắm và một chỗ đứng nhất định trong trái tim họ cho các dòng đồ uống của anh, để biến họ thành "an untapped market" giải cứu cho những món soda mà tất cả những anh bạn lớn như Mỹ và châu Âu đều đã lắc đầu giảm sử dụng vì tác hại quá rõ ràng của nó lên cơ thể con người. Hãy sản xuất những đồ uống tốt lành với nhiều vitamin bởi đó là cách chúng ta đối đãi với bạn mình!

You chocolate color (Màu sô-cô-la)

Quay lại lúc tôi mới xuống sân bay Entebbe, tôi được dặn là sẽ có người bên tổ chức tới đón. Đó là Nathan, một người đàn ông Uganda nhỏ bé, nổi bật bởi đôi mắt sáng long lanh như hai hồ nước trên làn da tối màu. Anh ăn vận gọn gàng nhưng tôi có thể thấy áo của anh đã bạc màu và dù vận một cái quần dài đen chỉnh tề song chân anh lại mang đôi xăng đan để lộ những ngón chân bụi bặm.

Nathan thoạt đầu có vẻ là người đàn ông kiệm lời và không quá hồ hởi (trái ngược hoàn toàn với tâm trạng của tôi lúc bấy giờ) nhưng tôi chắc chắn anh là người dễ mến và thân thiện. Băng qua một khoảng sân nắng gắt để đến chỗ đậu xe, tôi thấy có một nhóm nhỏ ở đây là người Trung Quốc, và nhóm nhỏ ở kia là người Hàn Quốc, thoạt nhìn là biết ngay. Tôi đoán họ tới đây để làm ăn vì mỗi người đều mang bên mình những thùng đồ rất to.

Chẳng lâu sau khi xe lăn bánh, tôi tự ý mở cửa sổ xe vì thấy quá khó thở bởi không khí oi bức và ngột ngạt. Nathan liền nhắc: "No, you can’t do that." (Tạm dịch: “Không, mày không được làm thế”). Tôi hỏi lý do tại sao thì bị nhắc lại lần nữa "Just don’t do that" (Tạm dịch: “Đừng làm thế”). Khi đó dù cảm thấy hết sức ngượng ngùng và khó hiểu nhưng sau rồi, tôi mới biết lý do là để tránh nạn cướp giật qua cửa sổ ô tô, nhất là khi trông tôi giống hệt khách du lịch không lẫn vào đâu được.

Thấy Nathan kiệm lời nên ban đầu tôi cũng rất tôn trọng điều đó và không bắt chuyện nhiều (sau một vài nỗ lực thất bại trước đó). Nhưng rồi, có thể vì đường xa, có thể vì tôi quá hồ hởi, hay vì cả hai điều đó mà chúng tôi có buổi chuyện trò hết sức thú vị về nhiều chủ đề khác nhau.

Tôi bắt đầu gợi chuyện với Nathan bằng những lời than thở, nào thì trời nóng, nào thị sợ muỗi đốt. Nathan chỉ cười khà khà, thấy như thế thật là hài hước (hoặc nực cười). Tôi hỏi anh ở đây người ta có sợ muỗi không, vì ở nước tôi người ta kháo nhau muỗi ở châu Phi nguy hiểm lắm, mang mầm bệnh sốt rét có thể truyền sang người. Rồi tôi còn hỏi một câu hết sức ngu ngơ, ở đây nắng chói thế này mà chẳng thấy ai che đậy khi đi ra ngoài nhỉ, ở Việt Nam mà thế này thì ra ngoài chắc chẳng nhìn thấy mặt ai. Nathan nghe vậy càng cười tợn, cuối cùng nói với tôi:
"You chocolate color, whatever you ask, remember you are in Africa" (Tạm dịch: “Này người bạn mang màu sô cô la, hỏi gì thì hỏi, đừng quên là mày đang ở châu Phi”).

Thế rồi, Nathan giải thích, ở Uganda vì muỗi nhiều quá nên họ coi muỗi như bạn, và không phải con muỗi nào cũng là con muỗi độc. Có rất nhiều người đã đi tiêm vắc xin nhưng cũng ngần ấy người thậm chí nhiều hơn chẳng tiêm phòng gì hết mà cũng có sao đâu. Lại nói đến chuyện nắng nóng ở đây, Nathan nói: "Just white, yellow and brown people like you are affected, not us" (Tạm dịch: “Chỉ những người da trắng, vàng và nâu như mày mới bị ảnh hưởng bởi nắng thôi, không phải chúng tao”). Tôi giải thích thêm là không phải chuyện màu da xỉn đi là điều tôi bận tâm mà trong nắng có tia UV độc hại có thể gây ung thư da. Nathan lại cười xòa: "We have vaccine" (Tạm dịch:”Chúng tao có vacxin”)

Trên đường từ thành phố Entebbe tới thủ đô Kampala, xe đi qua các đường đồi nhấp nhô lên xuống hết sức mượt mà với hai bên là đồng cỏ xác xơ vì nắng. Trên trời có mấy con chim đại bàng bay vòng vòng, sải đôi cánh rộng tận hưởng cái hơi hướm của tự do và hoang dã khiến lòng tôi cũng vì thế mà đột nhiên tràn ngập hứng khởi vì biết mình đang ở vùng đất Phi châu xa xôi. Hồi xưa nào có thể tiên đoán được một ngày tháng hai đẹp trời tôi lại có thể một mình chu du sang tận đây, vùng đất của sa mạc, của đại bàng, của hổ báo sư tử, tinh tinh, kỳ nhông, của những người da đen (tôi không hề có ý kỳ thị màu da mà chỉ muốn bày tỏ sự khác biệt và lạ lẫm đầu tiên mà họ đem đến cho tôi bởi chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều người da đen đến thế trong đời). Ôi con mắt no nê của tôi giờ lại càng tham lam hơn nữa trước cảnh đẹp và những điều khác lạ, kỳ bí.  

Miss Curvy da sáng màu

Nhớ ra chủ đề sắp tới của chương trình tập huấn là về bình đẳng giới, tôi quyết định làm một hoạt động phỏng vấn tự phát hết sức nghiệp dư với Nathan (mà đã không nghĩ rằng đây là một chủ đề hết sức nhạy cảm và nếu hỏi sai người, có thể còn nguy hiểm nữa).

Đầu tiên tôi hỏi Nathan về vấn đề bình đẳng giới trong xã hội Uganda theo góc nhìn chủ quan của anh. Anh nghĩ một lúc và trả lời tôi rằng phụ nữ ở đây bình đẳng với đàn ông, họ có thể đi học và họ có việc làm, họ không phải suốt ngày ở nhà chăm sóc gia đình như hồi trước. Nhưng câu trả lời này quá chung chung và tôi cần cái gì đó cụ thể hơn. Tôi chuyển câu hỏi của mình sang một vài khía cạnh khác mà ở đó Nathan có thể có nhiều trải nghiệm cá nhân hơn để chia sẻ (nếu anh cởi mở để chia sẻ). Cụ thể tôi đánh vào một số các quan điểm rất mang tính cá nhân của anh ví dụ như là:

Anh nghĩ phụ nữ phải như thế nào mới là phụ nữ đẹp?

Với câu hỏi đã cụ thể hơn, Nathan chia sẻ rất tự nhiên và cởi mở với tôi, mà cuối cùng những gì tôi nhớ được là như sau:
Ở đây, phụ nữ đẹp là phụ nữ có khuôn mặt đẹp.

Tôi rất tò mò, hỏi lại ngay: Như thế nào là một khuôn mặt đẹp? Câu hỏi này với Nathan dường như rất khó trả lời, nên tôi phải gợi ý thêm là ví dụ như ở Hàn Quốc, phụ nữ có khuôn mặt Vline, mũi cao, mắt to, da trắng, môi hồng là đẹp. Nhưng Nathan có vẻ vẫn gặp khó khăn để tìm một tiêu chuẩn cho cái đẹp, cuối cùng bất lực nói: "Just a beautiful face" (Tạm dịch: “Chỉ cần đẹp là được”).

Rồi rất hứng chí, Nathan nói tiếp: "You look at her face and then you look down. Why?. Because you want to see her hip" (Tạm dịch: “Đầu tiên người ta nhìn mặt cô ấy rồi nhìn xuống dưới. Tại sao?. Vì người ta muốn xem mông của cô ta”). Nói đến đây anh cười phá lên. Tôi cũng cười hùa theo và hỏi thêm: "So the bigger, the better?" (Tạm dịch: “Vậy mông càng to thì càng tốt?”) và nhận được câu trả lời "Yes, yes, exactly!" (Tạm dịch: “Chính xác”).

Kể từ đó, tôi hay để ý vẻ bề ngoài của phụ nữ ở đây, quả thực họ có vòng ba khá nổi bật, đặc biệt ở những cô gái trẻ. Tôi băn khoăn không biết họ cũng cho đó là nét quyến rũ tự nhiên của người phụ nữ hay cho đó là nét quyến rũ trong mắt đàn ông mà vì thế mình mới trở thành người phụ nữ quyến rũ?

Sau này khi tham gia tập huấn về bình đẳng giới cùng các bạn đến từ 10 quốc gia thuộc 4 châu lục khác nhau trong đó có đại diện từ châu Phi là Kenya và Uganda, tôi được biết tới khá nhiều vấn đề liên quan tới định kiến về cái đẹp và hậu quả đi kèm ở một số quốc gia châu Phi nói chung. Puriti là bạn cùng phòng với tôi, đến từ Kenya, khi được hỏi về tiêu chuẩn đẹp của người phụ nữ Kenya thời nay, cô thẳng thắn chia sẻ phụ nữ Kenya thích có một nước da sáng màu, như da của tôi vậy (tức là không trắng bóc như da người châu Âu mà có phần nâu sáng như người Đông Nam Á). Để có được làn da này, các cô phải dùng mỹ phẩm bôi mặt hoặc bôi toàn thân, hoặc phải đến spa với chi phí rất đắt đỏ để nhuộm lại da. Tôi không thể tin được! Khi nhìn thấy những người bạn châu Phi với một vẻ ngoài rất khác biệt với mình, tôi nghĩ họ hẳn phải có những tiêu chuẩn đẹp riêng, nhưng không, họ hoàn toàn đi theo tiêu chuẩn đẹp kiểu châu Âu. Tức là da họ không trắng thì cũng cần phải sáng màu, mũi phải cao và thon, tóc nâu hoặc vàng, còn người thì thanh mảnh như các cô gái quảng cáo bikini. Tôi hỏi Puriti rằng có nhiều người phụ nữ làm vậy không, cô bạn lắc đầu:"Not very many… It's expensive!" (Tạm dịch: “Không, vì làm vậy tốn tiền lắm!”). Bên cạnh đó, việc làm đẹp này đem lại nhiều hệ quả tai hại khôn lường cho làn da. Hiện nay ở một số nước châu Phi xuất hiện các thị trường đen rao bán trôi nổi nhiều loại mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc và theo Puriti: "Many people has died of bleaching their skins. It's not safe at all..." (Tạm dịch: “Rất nhiều người đã chết vì làm trắng da. Nó chẳng an toàn chút nào…”)

Ngoài Puriti ra, còn có Miria và Bridget, là hai cô bạn người Uganda với làn da tối màu. Thoạt đầu họ đều có vẻ gì đó ngại ngùng, e thẹn khi tiếp xúc với các bạn bè khác. Tôi lo lắng không biết có phải định kiến về một tiêu chuẩn đẹp chung khiến họ tự ti trước các bạn có nước da sáng màu hơn mình vì cho rằng đó mới là một vẻ ngoài đáng mơ ước? Tôi không bao giờ có đủ can đảm để hỏi họ những điều này. Tôi chỉ âm thầm quan sát. Các video âm nhạc mà tôi tình cờ xem được ở đây, các hit nhạc rap đình đám đều đến từ các nghệ sĩ có làn da nâu sáng và thân hình nóng bỏng. Nói chung nam nữ nghệ sĩ hầu như không có ai có làn da tối màu cả dù họ đều là người Đông Phi nơi 100% người dân có làn da rất tối màu (theo quan sát của tôi). Dường như, một cách âm thầm và kín đáo, làn da sáng màu không chỉ biểu trưng cho cái đẹp, mà còn là danh vọng, địa vị, thậm chí là thành công của mỗi người.

Liên quan tới chủ đề cái đẹp này, tôi còn được biết tới một phát ngôn rất gây tranh cãi trong xã hội Uganda lúc bấy giờ qua chia sẻ của một người bạn cùng trại đó là:
“We have naturally endowed nice looking women that are amazing to look at. Why don’t we use these people as a strategy to promote our tourism industry?” (Tạm dịch: “Chúng ta có những người phụ nữ đẹp một cách tự nhiên và ấn tượng, tại sao không biến họ thành một chiến lược để phát triển ngành công nghiệp du lịch?”) - phát biểu bởi Bộ trưởng bộ du lịch Uganda với báo Daily Nation.

Cụ thể hơn, theo lời bạn tôi diễn giải lại ý của ông bộ trưởng thì "nice looking women" là những cô gái vẫn thường được gọi là Miss Curvy với đường cong đầy đặn, vòng ba khủng, không cần phải mảnh mai. Hiển nhiên, phát biểu trên của ngài bộ trưởng gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều bởi một mặt ông ta đánh vào tâm lý yếu đuối của các cô gái trẻ Uganda cho rằng trước nay vẻ đẹp của họ không được thừa nhận và giờ đây ông đang nỗ lực đòi lại "bình đẳng" cho họ bằng cách khẳng định rằng họ đẹp, mà không chỉ là đẹp suông mà còn là vẻ đẹp tạo ra giá trị đong đếm được bằng tiền (từ khách du lịch). Nhưng ở một mặt khác, cách nhìn nhận như trên của ông về vẻ đẹp của phụ nữ Uganda như một cái kim châm vào lòng tự trọng của họ. Họ không chỉ “được/bị” coi là những người phụ nữ đẹp mà là những món hàng đặc sắc và lạ mắt, ngang hàng với đồ ăn, bảo tàng, và tương tự, những vật vô tri vô giác và bị kiếm chác công khai. Tôi không thể tưởng tượng được nếu ý kiến này của ông được ủng hộ thì sẽ lại có bao nhiêu phụ nữ ôm áp lực nặng nề đi phẫu thuật độn mông hay dùng các loại quần độn chặt gây ra nhiều tác hại lên cơ thể về sau mà cốt chỉ để thu hút khách du lịch qua đường.

Cũng chính phát kiến này của ngài bộ trưởng du lịch đã cho thấy bất bình đẳng giới, định kiến giới vẫn còn là một vấn đề rất cần được quan tâm trong xã hội Uganda ngày nay.

Hẹn hò là việc xa xỉ

Câu chuyện yêu đương của các bạn Uganda cũng là chủ đề tôi thấy hết sức thú vị.
Ở đây người ta hẹn hò thế nào? Kết hôn ra làm sao?
"Here, girls will go with men who have money" (!) (Tạm dịch: “Ở đây, phụ nữ thích những người đàn ông nhiều tiền.”)
Nathan thẳng thắn chia sẻ quan sát của mình.

Lúc này xe chúng tôi đã vào trong thành phố với người qua lại ngày một tấp nập hơn. Giờ nhường chỗ cho những cung đường nhấp nhô, mềm mại là những con đường có bằng nhưng không phẳng do nhiều đoạn còn đang trong quá trình trùng tu nên có rất nhiều sỏi đá và những ổ gà ổ vịt. Các hàng quán nối tiếp nhau chạy một hàng dài dọc hai con đường đất đá gồ ghề. Xe chúng tôi đi qua một trường học được xây trên một gò đất cao lên tầm hai mét so với mặt đường. Từ dưới nhìn lên, tôi thấy sân chơi của tụi trẻ với xích đu và bập bênh. Tôi đoán đây là trường mẫu giáo hoặc trường tiểu học. Thi thoảng tôi thấy vài ba em nhỏ mặc đồng phục, áo sơ mi trắng nhàu nhĩ, tay xách túi cặp đi thành hàng dọc trên những gờ đường. Xe cũng đi qua một trạm xá tuềnh toàng, một con sông yên tĩnh, một khu chợ có vẻ đông đúc, một nhà thờ cổ kính và còn nhiều hơn thế nữa. Bức tranh cuộc sống Uganda dần hiện ra sống động bởi muôn vàn thứ tiếng và màu sắc khác nhau, là tiếng còi xe inh ỏi của những chiếc bodaboda bụi bặm (một dạng xe mô tô hai bánh), tiếng người ta cãi cọ mặc cả nhau ở những khu chợ bốc mùi, những biển hiệu cổ lỗ sĩ được sơn và vẽ bằng tay xanh đỏ tím vàng lẫn với một vài cái được in ấn hẳn hoi chỉnh tề nom rõ kì cục. Bụi đất đỏ làm cho cái nắng nóng càng tệ hại hơn. Và hình như vào đến khu dân cư là tôi chẳng thấy cây cối gì tuốt.

Thấy tôi im lặng, Nathan diễn giải tiếp câu nói hãy còn dang dở của mình ban nãy rằng ở đây dù muốn kết hôn hay hẹn hò gì, người đàn ông cũng phải thể hiện được với người phụ nữ là anh ta có tài sản, có tiền đồ. Đó là điều đầu tiên. Nếu anh ta chẳng có gì, sẽ chẳng có cô gái nào chấp nhận anh ta.

Tôi hỏi Nathan về hôn nhân truyền thống ở đây, liệu có tồn tại hôn nhân sắp đặt không hay người ta có thể tự do yêu đương và kết hôn?

Nathan khẳng định ở đây đa phần người ta tự nguyện kết hôn, hôn nhân sắp đặt còn rất rất ít và chắc chỉ có ở những vùng hẻo lánh mà thôi. Tuy thế, điều này chưa đủ để khẳng định rằng quan điểm về hôn nhân của người Uganda là cởi mở và hiện đại bởi với những gì tôi được thấy và nghe, tôi cho là vì hoàn cảnh khó khăn nên hôn nhân sắp đặt không còn đạt được kỳ vọng của nhiều gia đình về một cuộc sống no đủ cho con cái của họ nữa, chính bởi vậy mà khiến nhiều người phải tự lập và bươn chải sớm, kể cả trong việc tìm người bạn đời.

Để làm cho rõ quan điểm của anh, tôi kết luận với một sự hoài nghi to lớn: vậy ở đây, hầu hết phụ nữ kết hôn vì tiền (?!)

Thấy Nathan không nói gì, tôi đá sang chủ đề hẹn hò.

Theo Nathan, hẹn hò là việc xa xỉ, và trong nhiều trường hợp là không cần thiết. Nếu các cặp đôi có hẹn hò thì hai tháng đã là quá dài rồi.

Hết sức ngạc nhiên, tôi thắc mắc là cặp đôi hẹn hò là để tìm hiểu nhau, để vun vén tình yêu và hạnh phúc dài lâu, đây là việc mà tôi thấy là rất quan trọng và cần đầu tư thời gian.

Nhưng trái ngược với sự sốt sắng của tôi, Nathan chỉ đáp gọn lỏn: "Too long. Take too much time" như kiểu hẹn hò là việc gì đó có cũng được mà không có cũng chẳng sao vậy!

Tôi hỏi anh ở độ tuổi nào thì phù hợp để kết hôn ở Uganda?
Chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, anh nói luôn: Ra trường là kết hôn, không có gì làm thì sẽ kết hôn. Vì ở đây nghèo, Nathan nói, vì họ - những người trẻ chẳng có việc gì làm sau khi ra trường.

Như đã đề cập ở trên, tình trạng thất nghiệp là vấn đề nan giải nhất ngay lúc này ở Uganda, được phản ánh chân thực qua hơi thở của mọi câu chuyện mà tôi được nghe tại đây. Với một đất nước nơi có tới trên 78% dân số dưới tuổi 30, Uganda được xếp vào một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới và đi kèm với nó là "danh hiệu" quốc gia có tình trạng thất nghiệp thuộc hàng cao trong các nước hạ Sahara. Để lý giải một cách đơn giản nhất cho hiện trạng này thì có thể chỉ ra hai nguyên nhân chính như sau: thứ nhất là sự gia tăng dân số quá nhanh ở Uganda và thứ hai là sự thất bại trong việc cải cách kinh tế, tạo ra/ thúc đẩy các ngành nghề có thể sử dụng tối đa nguồn nhân lực dồi dào sẵn có. Bên cạnh đó, còn là yếu tố về chất lượng giáo dục hạn chế, chưa thu hút được đầu tư nước ngoài, và nhiều vấn đề khác. Tôi đã có cơ hội tìm hiểu một phần rất nhỏ về nguyên nhân của gia tăng dân số ở đây nhưng hãy để tôi kể dần trong những phần sau.

"And gals need comfort", quay lại chia sẻ của Nathan, những cô gái sau khi kết thúc bậc học phổ thông rất ít người tiếp tục học cao lên đại học, cao học, mà phải suy tính đến chuyện dựng vợ gả chồng để tìm một chỗ dựa vững chắc cho mình và đôi khi còn cho cả gia đình cô gái nữa. Dù những năm gần đây với sự khuyến khích, động viên và cả giúp đỡ về rất nhiều mặt từ các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, việc học trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các cô gái, tuy nhiên quyết định không hoàn thành việc học ở bất kì cấp bậc nào và không học cao lên còn đến từ rất nhiều các mạng lưới nguyên nhân khác đan xen vào nhau và bổ trợ lẫn nhau. Đó có thể là những định kiến núp bóng dưới văn hóa các bộ lạc vẫn còn ngấm ngầm tồn tại rằng nữ nhân thì không cần đi học, là thiếu điều kiện tài chính để theo đuổi việc học (Uganda vẫn nằm trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới - theo World Bank), là rào cản về ngôn ngữ (với gần 50 bộ lạc nói các thứ tiếng khác nhau), là sự phân hóa giàu nghèo ngày một nặng nề, là tình trạng thiếu việc làm trầm trọng và nhiều nguyên do khác nữa.

Khéo léo rút một trong những sợi chỉ đã nêu trên ra, tôi muốn biết nhiều hơn về sự phân hóa giai tầng ở đây, một chủ đề mà Nathan có thể có nhiều trải nghiệm thực tế. Vặn vô lăng sang một bên, xe tiến vào một con phố tấp nập khác, nơi dọc hai bên đường vẫn là những hàng quán nhỏ thó, những căn nhà lụp xụp một tầng, những hàng dài ma nơ canh không đầu, trắng bóc dưới các bộ cánh sặc sỡ màu sắc. Nathan khẳng định với tôi, xã hội Uganda cấu thành bởi 3 nhóm người rất rõ ràng, và không thể lẫn lộn: "The high class, the medium and the poor" (Tạm dịch: “Nhóm người thượng lưu, trung lưu và nhóm người nghèo”)

"Can you tell which class a person belongs to if you don't know anything about him or her?" (Tạm dịch: “Anh có thể phân biệt một người thuộc nhóm xã hội nào kể cả khi anh không biết tí gì về thân thế người đó không?”) - tôi hỏi.
"Sure!" (Tạm dịch: “Dĩ nhiên rồi!”)

Cách Nathan phân biệt những nhóm người này là dựa trên quần áo họ mặc, những nơi họ tới, và đôi khi là cả nước da của họ. Theo anh, trong nhóm người “highclass” (thượng lưu) có rất nhiều người đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ,... và họ ở những biệt thự xa trung tâm thành phố, nằm ở những khu ngoại ô vắng vẻ. Trên đường về thành phố, tôi cũng đã thấy vài căn biệt thự như vậy, chúng khang trang và đẹp tối giản, tỏ bày sự kín kẽ và bất xâm phạm, nhưng rõ ràng trông xa lạ trên mảnh đất Phi châu này nơi cỏ cây thiên nhiên đều mang hơi thở hoang dã, nơi chim ưng và đại bàng chia sẻ chung một bầu trời với người dân bản địa.

Câu chuyện về sự phân hóa giàu nghèo ở Uganda mà tôi tìm hiểu được đến đây vẫn chưa hết, nhưng thời gian với Nathan đã hết, xe đã đến nơi tập kết. Đó là một khách sạn có khuôn viên rộng và duyên dáng với vườn cây hoa lá cách trung tâm thủ đô Kampala khoảng 3,4 cây. Bên cạnh là đại sứ quán Mỹ và cách không xa lắm là văn phòng Liên Hợp Quốc. Một nơi có an ninh trật tự, tôi thấy phần nào yên tâm.

Tập huấn và những người bạn

Những ngày cả đoàn mới đến, thời tiết hết sức dễ chịu và ôn hòa. Tôi thường quen giấc dậy vào lúc 5 giờ sáng, khi tất cả vẫn còn đang ngủ say. Lúc này có gió mát nhưng không lạnh. Ngoài trời tối om và lặng như tờ. Tôi thường tận dụng khoảng thời gian quý báu này để viết nhật ký, đọc sách hoặc đơn giản chỉ là nghe một bản nhạc yêu thích. Cảm thấy hết sức nhẹ nhàng và bình yên. Tôi còn nhớ là vào ban sáng vẫn hay có tiếng đài phát ra tiếng hát nghe có phần ai oán nhưng không não nũng, tuy chẳng hiểu lời nhưng tôi lấy làm lạ lẫm, thú vị. Cái tiếng hát không biết từ đâu ra ấy là âm thanh duy nhất vào buổi tờ mờ sáng nên lại càng khiến người ta tò mò, chú ý. Có thể là giọng phụ nữ, hay giọng một người đàn ông, cứ hát đều đều như tụng kinh khiến người ta có cảm giác như đang trong một nhà thờ nào đó dù lúc ấy thường là tôi đang nằm cuộn tròn trong chăn, mắt mở thao láo.

Vì hầu hết thời gian trong ngày rất nắng và nóng nên đoàn chúng tôi sinh hoạt theo thời gian của người Uganda tức là dậy sớm, nghỉ sớm. Bữa sáng phục vụ từ 7:30 AM và các hoạt động bắt đầu 1 tiếng sau đó. Ngày nào cũng như ngày nào, chúng tôi kín lịch từ sáng tới 6 giờ chiều với rất nhiều nội dung hoạt động khác nhau thành thử ra chẳng có thời gian dạo chơi ở bên ngoài. Nhưng điều đó chỉ làm tôi hơi rầu lòng vào lúc đầu, còn sau khi đã thân quen với mọi người và các hoạt động ngày một thú vị hơn, tôi chẳng còn ý định ra khỏi khuôn viên đó nữa.

Buổi chiều ở đây thường có nắng to mà không nóng, gió mát như gió mùa thu. Tiếng quạ hay là tiếng của con chim mpabaana (một loài chim quạ) đen nhánh hay bay thành đàn cứ chốc chốc lại kêu quàng quạc. Từ xa vẫn thấy chúng đậu thành một hàng dài trên nóc nhà ai kia. Người khách du lịch mới đến ban đầu khó ưa nổi cái tiếng quàng quạc om sòm của những con chim mpabaana nhưng sau rồi tự anh ta lại tự nhận ra cái tiếng chim đó là một phần của đời sống nơi đây, đã hòa vào trong mọi khoảnh khắc sinh hoạt của người dân, quen thuộc đến mức thiếu vắng nó mới là cái điều gì bất tự nhiên, nhưng khi có nó thì cũng chẳng nhận ra. Thậm chí khi đã đi xa, mỗi lần nhớ về Uganda, bỗng đâm nhớ cái tiếng quàng quạc kém duyên ấy mà hồi ức không sao giúp tôi được nghe lại.

Thời gian ở trại tập huấn tôi hay trò chuyện với Teresa, một bà xơ có nụ cười nhân hậu. Ở cạnh bà, người ta không khỏi thấy ấm áp và dễ chịu. Tối nào bà cũng tới phục vụ bữa ăn cho chúng tôi, nhẹ nhàng như một bà mẹ. Tôi yêu quý bà bởi bà chẳng bao giờ nề hà chia sẻ điều gì và bà cũng hết sức yêu quý tôi bởi tôi luôn chuyện trò và thân thiện với tất cả mọi người. Ở cạnh bà, tôi thấy thoải mái như với một người bạn mà vẫn không đánh mất sự kính cẩn trong lời nói, động tác để sao cho phù hợp. Có lẽ tôi giống như một đứa trẻ của bà, không nhất thiết là một đứa con nhưng là một đứa trẻ mà bà quan tâm.

Được biết Teresa là điều phối viên của tổ chức Caritas Uganda và Daughters of Charity, hai tổ chức xã hội của Giáo hội công giáo Uganda chuyên tổ chức các hoạt động từ thiện hỗ trợ cộng đồng trong đó có hai nhóm đối tượng rất đáng quan tâm là dân tị nạn và trẻ em khuyết tật. Buổi sáng tôi không thấy bà ở bất kì đâu trong khuôn viên trại bởi khi đó bà đang bận bịu chuẩn bị cho lũ trẻ của bà tới trường, những đứa trẻ không phải do bà mang nặng để đau mà có được. Theo cách nói của bà, chúng là những đứa con của Chúa được gửi đến cho bà, và bà có nhiệm vụ chăm sóc những đứa trẻ này cho đến ngày chúng có thể tự lập. Tôi không khỏi cảm động bởi sự thiêng liêng mà giản dị trong công việc của bà. Bà cho tôi xem một số bức ảnh trong một buổi sinh hoạt của những trẻ em khuyết tật, trông chúng thơ ngây và đơn giản. Trong ảnh chúng ngồi thành vòng tròn, đứa ngồi xe lăn, đứa ngồi bệt, đứa phải bồng trên tay còn sơ Teresa đứng ở giữa. Một phần không nhỏ trong số những trẻ em ở đây đến từ các nước láng giềng nơi đang trải qua cuộc nội chiến kinh hoàng như Nam Sudan, Congo hay Rwanda… Chúng đều bị lạc cha mẹ hoặc bị bỏ rơi.

Sau khi từ Uganda trở về, tôi đã xem một bộ phim tài liệu mang tên: Mercy Killing: Uganda’s Hidden Infanticide và được biết ở Uganda, tồn tại niềm tin rằng trẻ em khuyết tật là một điềm gở hay quả báo cho gia đình và vì thế chúng là nỗi xấu hổ cần phải bị loại trừ. Nhiều gia đình tan vỡ khi có những đứa trẻ không lành lặn dẫn đến việc các em hoặc bị cha mẹ bỏ rơi hoặc luôn trong hoàn cảnh không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết, hay bi thảm hơn, chúng bị giết âm thầm, nhất là ở những làng quê nghèo khó.

Trong lần nói chuyện gần đây nhất giữa chúng tôi, Teresa kể rằng bà đang tham gia vào nhóm làm workshop nâng cao nhận thức của người dân Uganda về người tị nạn cũng như các hoạt động trực tiếp hỗ trợ những người tị nạn khác. Bà chia sẻ Uganda là quốc gia đầu tiên mở cửa đón chào người tị nạn từ Nam Sudan, Congo… Từ chính phủ đến người dân đều thân thiện với nhóm người mới đến này.  Ở Uganda có rất nhiều nơi ở cho người tị nạn - không phải trại tị nạn. Ở những khu vực nói trên, người tị nạn có thể thoải mái đi lại trong Uganda để kiếm việc làm, tiếp cận cơ hội y tế, giáo dục, về cơ bản là không có rào cản từ chính phủ. Họ cũng được khuyến khích là tự phát triển kinh tế ở địa phương và được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội trên toàn cầu, trong đó có UNHCR (Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn). Người dân Uganda phần lớn cũng bày tỏ sự thông cảm tới hoàn cảnh của nhóm người tị nạn và tại nhiều nơi, họ chung sống hết sức hòa thuận. Tuy nhiên đó chỉ là một mặt của hiện trạng. Ở một mặt khác, nhiều người Uganda có thành kiến và tỏ ra bất mãn với người tị nạn từ Nam Sudan và Congo bởi sự bất đồng về văn hóa, ngôn ngữ; sự chênh lệch về cơ hội, lợi ích,... dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử đôi khi rất khắc nghiệt trong xã hội Uganda. Chính bởi thế mà workshop của Teresa hướng tới mục tiêu tạo ra nhận thức (awareness creation) cho người dân bản địa để họ không vì sợ hãi, ghen tị mà dẫn đến xung đột, bất hòa với người tị nạn. Bên cạnh đó, bà còn giúp đỡ người tị nạn tìm chỗ ở vì các khu vực tị nạn/ trại tị nạn giờ đã quá đông và tình trạng khó khăn, thiếu thốn ở nhiều mặt khiến cho những người tị nạn tuyệt vọng phải tìm những nơi ở mới.  

Tôi không có thời gian ra ngoài thường xuyên để tìm hiểu về cuộc sống ở đây do lịch tập huấn khá kín và chặt chẽ. Tuy buổi tối tôi thường rảnh rang nhưng vì không được khuyến khích ra ngoài vì sự an toàn của bản thân nên tôi chỉ có thể loanh quanh trong khuôn viên trại và trò chuyện cùng các bạn Uganda mà tôi có thể gặp. Các câu chuyện cho đến giờ mà tôi thu thập được từ quá trình nói chuyện, cùng sống và làm việc (dù chỉ trong vỏn vẹn 8 ngày) với các bạn ấy cũng đã cho tôi đủ chất liệu để tự mình phác lên một bức tranh mini đen trắng về xã hội và con người Uganda.

Hãy nói tới Rose, cô nàng lễ tân mà tôi làm quen cùng lúc với sơ Teresa vào cái chiều tôi mới đến trại. Rose khoảng hai mấy tuổi, ít nói và rụt rè. Cô để mái tóc quăn tự nhiên như sợi mì tôm và buộc thành một búi rất to và dày ở đằng sau gáy. Tôi nhớ là mình đã bắt chuyện với họ (Teresa và Rose) bằng một câu hỏi ngu ngơ rất quen thuộc mỗi khi tôi muốn mở đầu câu chuyện với ai đó, đại loại như có phải sáng Chủ Nhật này ở nhà thờ sẽ có buổi hát thánh ca vào 9 giờ sáng không? Hay một thắc mắc gì đó tương tự. Và cứ thế tôi nán lại hỏi hết từ điều này sang điều nọ một cách hết sức tự nhiên. Để cuộc trò chuyện được đi sâu hơn tôi chia sẻ với họ là tôi đang viết một cuốn sách nhỏ và nó chính là cuốn sách này đây nhưng họ ngỡ như tôi là một người viết chuyên nghiệp chuẩn bị có sách đầu tay hay gì đó thì phải nên sau rồi họ chia sẻ với tôi rất nhiều thứ khi tôi nói rằng mình muốn hỏi thêm đôi điều về cuộc sống ở đây.

Thú thật là về sau tôi cũng vẫn lợi dụng sự lầm lẫn này của mọi người để mình có thể tiếp cận được các câu chuyện của họ mà không cảm thấy tội lỗi vì về cơ bản thì sự lầm lẫn này không hẳn là điều gì sai sự thật. Họ thường hỏi tôi cụ thể tôi muốn viết về cái gì. Ban đầu câu hỏi này khiến tôi rất dễ chết đứng vì đến lúc đó tôi cũng chưa biết tôi muốn viết về cái gì. Thậm chí, lúc này, tôi muốn viết về cái gì tôi cũng chưa rõ nhưng mà vì tôi được dạy là trong việc học viết, việc viết mới là quan trọng nên cứ viết dàn ra đây tất cả những gì tôi có, sau này ắt có lúc tôi biết mình nên chọn lọc khai thác hay bỏ bớt đi điều gì. Tôi thường trả lời rất đại khái là mình đang muốn viết về tình yêu, cái đẹp và hôn nhân. Vì chẳng có một khái niệm hay nền tảng gì cho tất cả những điều trên nên xét cho cùng khi nghe xong các câu chuyện, tôi rất vất vả để có thể ghi nhớ chúng ở dạng nguyên bản nhất như lưu giữ một chất liệu thô cần mang về để nghiên cứu và đối chiếu thêm.

Việc đầu tiên tôi làm là chia sẻ cho họ những gì tôi biết được (thông qua Nathan) về những gì tôi định viết và kỳ vọng họ sẽ là người bổ sung hoặc phản bác dựa trên những gì tôi có được. Trong buổi trò chuyện trước với Nathan về hôn nhân, tôi có từng thắc mắc là sao ở đây người ta kết hôn dễ dàng quá, nam giới nghe chừng chỉ cần có một người vợ xinh đẹp còn nữ giới cần người chồng có tiền đồ, chỉ cần vậy là đã có thể về sống với nhau cả đời mà chẳng cần hò hẹn gì cho vất vả. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ nguyên si câu giải thích quá sức ngắn gọn của Nathan: “Here men don’t differentiate love and excitement” và “Gals need comfort” (Tạm dịch: “Ở đây, đàn ông không phân biệt giữa tình yêu và hưng phấn” và “Các cô gái cần sự an nhàn, thoải mái”).

Tôi hỏi Teresa, vậy hôn nhân lý tưởng ở đây không nhất thiết phải có tình yêu?.
“That’s not true, my dear” (Tạm dịch: “Điều đó không đúng, cô gái ạ”) - Teresa lắc đầu, bà từ tốn giải thích với tôi rằng đó chỉ là những tín hiệu ban đầu để người nam và nữ kết đôi với nhau, sau khi cả hai ưng thuận họ sẽ phải ngồi với nhau và bàn về cuộc sống hôn nhân họ kỳ vọng. Nếu như không yêu nhau làm sao họ có thể cùng ngồi xuống nói về cuộc sống sau này với những đứa con? Chắc chắn là họ yêu nhau và vì thế nên họ mới sống cùng nhau.
Tôi hỏi trung bình một gia đình ở Uganda sẽ có mấy đứa con, câu trả lời nhận được là 6-7 đứa trẻ là chuyện bình thường. Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, Rose nói thậm chí còn có thể nhiều hơn. Nhưng việc dạy dỗ và chăm sóc một đứa trẻ chẳng dễ dàng, tôi bày tỏ băn khoăn của mình thì được Rose chia sẻ rằng họ biết đó là vấn đề “but it happens” (Tạm dịch: “nhưng nó xảy ra như vậy, biết làm sao được”). Trẻ em ở đây nhiều như nấm, có những đứa may mắn thì được đến trường đầy đủ nhưng chẳng thiếu gì những đứa phải ra ngoài đường, giáp cái nắng gắt suốt cả ngày dài cùng bố hay mẹ chúng để xin tiền người qua đường.

“Condoms are not allowed to use here”
(Không được phép dùng bao cao su)

Nhân tiện, tôi hỏi luôn về một chủ đề rất liên quan đó là việc gia tăng dân số nhanh ở Uganda, nguyên do gì đằng sau nó. Trước đó khi nói về vấn đề này với Nathan, tôi có phỏng đoán liệu có phải do ở đây họ không được giáo dục về tình dục an toàn và không được phổ biến về bao cao su thì nhận được lời giải thích hết sức bất ngờ từ anh đó là: “Condoms are not allowed to use here” (Tạm dịch: “Không được phép dùng bao cao su”), một khẳng định hoàn toàn trái ngược so với những gì tôi đọc được trên báo sau đó về nỗ lực của chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc phổ cập bao cao su vào Uganda. Theo Nathan, việc sinh nở là điều tự nhiên từ Chúa trời, mọi biện pháp can thiệp để ngăn cản việc này là trái với ý của Chúa và anh là một người Công giáo.

Đây cũng là một phần nguyên do làm đau đầu tất cả những nhà hoạt động xã hội về HIV/AIDS ở Uganda. Được biết là thời gian qua chính phủ đã rất nỗ lực đầu tư thời gian và công sức để phổ biến về bao cao su cho người dân ở những nơi xa xôi nhất nhưng niềm tin tôn giáo giống như cái chậu đất của một cái cây biểu tượng cho người tin, nuôi dưỡng người đó, muốn chuyển cái cây sang chậu đất mới cần đủ sự khéo léo và hiểu biết. Bên cạnh nguyên do này, còn có nhiều nguyên do khác dẫn tới việc bao cao su rất khó trở nên thông dụng đó là thiếu thông tin về an toàn tình dục, thiếu chỉ dẫn về cách dùng bao cao su, và cho dù được hướng dẫn nhiều người dân không đủ tầm nhận thức về sự nguy hại (nhiều người sợ mang thai hơn là HIV/AIDS bởi mang thai thì thấy rõ hậu quả còn HIV/AIDS chỉ là một căn bệnh “vô hình”). Tóm lại rất nhiều rào cản tương hỗ lẫn nhau khiến cho việc sử dụng bao cao su trong hoạt động tình dục là không phổ biến.

Teresa và Rose cũng chia sẻ điều tương tự, rằng họ không thấy thoải mái với bao cao su.
Cuối cùng, tôi nghĩ, tội nhất là những đứa trẻ, sinh ra trong veo và sáng ngời như một tiểu thiên thần trong các bức tranh tôn giáo phương Tây nhưng rồi sớm gãy cánh vì thiếu sự yêu thương và quan tâm của cha mẹ chúng nơi trần thế./

TÀI LIỆU XEM THÊM

Bài báo:

The Coca-Cola Company turns 90 in Africa | Coca-Cola Journey
Coca-Cola has discovered an untapped market to save the soda business | Bussiness Insider
Outrage overuse of 'Miss Curvy' beauty pageant to promote Ugandan tourism | The Guardian
The jobless generation; tracing the root causes of Uganda’s unemployment | Sunrise Uganda

Video:
Mercy Killing: Uganda’s Hidden Infanticide | Journeyman Pictures
Skin bleaching scandal in South Africa | Unreported World


Comments

Popular posts from this blog

Young and boredom

Malaysia: Bức tranh đa màu ở Kuala Lumpur

[Tuổi trẻ, khát vọng và nỗi đau] Sổ tay ghi những câu trả lời sai và cách để chọn sai lầm làm động lực phát triển bản thân!